Tâm huyết với việc kinh doanh trực tuyến nhưng thành công mà CEO DKT Trần Trọng Tuyến gặt hái lại đến từ việc cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ cho các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam.
CEO DKT Trần Trọng Tuyến: Thay đổi hay là “chết”
Giải quyết bài toán sinh tồn
Gặp Trần Trọng Tuyến ở “đại bản doanh” DKT vào giờ ăn trưa. Không phòng riêng, không khoảng cách với nhân viên, CEO của DKT cùng ăn, cùng tán chuyện với nhân viên của mình như bạn. Ở DKT, nhân viên được quyền góp ý, thậm chí phàn nàn sếp trực tiếp cũng như ban lãnh đạo nếu có điều gì đó khiến họ không hài lòng.
Tinh thần dân chủ là một trong những điểm mấu chốt trong cách điều hành doanh nghiệp (DN) của Tuyến. Anh chia sẻ: “Tạo dựng DN là người chủ nhưng giữ cho DN đó sống sót và phát triển là tất cả nhân viên”. Do vậy, DKT có những chương trình chăm sóc đời sống và tinh thần nhân viên khá chu đáo. Ngay cả trong giai đoạn DKT bước đến bờ phá sản vì không còn đủ vốn duy trì hoạt động thì lương của nhân viên cũng chưa bao giờ chậm trễ.
Ôm mộng xây sàn giao dịch TMĐT ngay khi mới tốt nghiệp đại học, nhưng phải mất 4 năm tích lũy kinh nghiệm ở các tập đoàn lớn, Tuyến cùng 4 người bạn mới quyết định khởi nghiệp cùng nhau. Cùng học công nghệ thông tin, thế mạnh của nhóm là các kiến thức chuyên ngành, nhưng đó cũng chính là điểm yếu vì để điều hành DN, cần phải có những kiến thức khác. Để giải quyết vấn đề này, cả nhóm quyết định cắt hẳn hai người tạm “quên” thế mạnh để phụ trách mảng tài chính cũng như kinh doanh của nhóm.
Gom được 30 triệu đồng, “ngũ tướng” DKT vừa đủ tiền thuê văn phòng, mua một cái máy in rồi bắt đầu bước ra thương trường. Con số này vô cùng nhỏ bé so với 1 triệu USD ít nhất phải có để hình thành và duy trì một sàn giao dịch điện tử đúng với ước mơ của họ.
Tuyến nhớ lại: “Mục tiêu ban đầu là phải tồn tại nên chúng tôi dùng thế mạnh công nghệ làm gia công phần mềm. Nhận những dự án từ nhỏ đến cực nhỏ để có đủ chi phí cơ bản duy trì công ty, trả lương nhân viên”.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Hai năm đầu lay lắt nhưng với thế mạnh công nghệ, dần dần, công ty của “ngũ tướng” cũng có khách hàng lớn. Chính thời điểm này, cả nhóm lại thấy cần thay đổi. Bởi, nếu cứ hài lòng với việc gia công phần mềm như hiện tại, con đường đến với mục tiêu ban đầu cứ xa dần.
Tuyến cho biết, vì mọi hoạt động của DKT khi ấy đã vào guồng, đã có thu nhập, mạo hiểm lại lần nữa là điều không phải ai cũng đủ can đảm làm nên cuộc chuyển đổi chẳng mấy dễ dàng. “Nếu “chết” thì “chết” hẳn, còn hơn đi theo con đường mình không đam mê”, cả nhóm cùng kết luận như thế.
Một thành viên ở lại, tiếp tục con đường gia công phần mềm. Bốn trụ cột ra đi, chấp nhận thử thách với cuộc chơi mới mang tên Bizweb, dịch vụ cung cấp hạ tầng để triển khai các trang web có khả năng trang bị các công cụ để kinh doanh trực tuyến. Quan sát thị trường website, cả nhóm nhận ra, hơn 10 năm hình thành nhưng vẫn chưa có DN cung ứng website nào có số khách hàng vượt quá 1.000.
Nguyên nhân cốt lõi là do mỗi web là một mã nguồn độc lập, khả năng chăm sóc khách hàng của DN hạn chế. Chẳng may hệ thống website có lỗi thì tất cả khách hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Cách giải quyết tốt nhất là tất cả các website cùng chạy trên một hệ thống”, Tuyến tiết lộ. Đó là chìa khóa mà Tuyến cùng đồng đội tìm ra và ứng dụng cách đây 6 năm, nay phổ biến dưới tên gọi là điện toán đám mây.
Đi trước xu hướng khá lâu như thế nên thời gian đầu, việc bán hàng của DKT cực kỳ khó khăn. Doanh số tháng đầu tiên sau chuyển đổi vỏn vẹn 1,5 triệu đồng. Đúng vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chỉ sau 6 tháng, DKT tiêu sạch 800 triệu đồng tích lũy được từ 2 năm gia công phần mềm. Người sáng lập phải đi vay mượn để có tiền trả lương nhân viên.
Trần Trọng Tuyến nhớ lại: “Cuối năm 2011, không còn chỗ nào để vay mượn thêm, nợ nần lên đến 3 tỷ đồng, DKT chỉ còn cách phá sản”. Rất mừng là gian khó đến kỳ cùng nhưng cả nhóm chưa bao giờ nản chí. Nhìn lại các chỉ số tăng trưởng của mình, họ vẫn tin, DKT sẽ tìm được lối thoát.
Cánh cửa mở ra khi DKT tìm được một nhà đầu tư cá nhân đồng ý “bơm” vốn vào một DKT đang khốn khó. Có tiền trang trải, xu hướng thị trường cũng bắt đầu chạm đến những dịch vụ DKT đang triển khai nên chỉ trong vòng 1 năm, DKT bước được đến điểm cân bằng, thu đủ chi rồi tiến đến tăng trưởng nóng trong những năm tiếp theo.
Không chỉ tự cung cấp nền tảng, Bizweb còn kết hợp với các đơn vị cung cấp ứng dụng, làm nên Chợ App để khách hàng có thể hoàn thiện tất cả các công cụ phục vụ kinh doanh trên mạng như công cụ chat, dịch vụ chụp hình sản phẩm, giao nhận… và Sapo, phần mềm quản lý bán hàng do chính DKT phát triển.
Ngoài ra, Bizweb cũng hợp tác với các kênh bán hàng khác để tạo nên mô hình bán hàng đa kênh giúp các chủ website cùng lúc có thể bán hàng, tiếp thị, quản lý, chăm sóc khách hàng… trên nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, sàn giao dịch, bán tại cửa hàng…
Trong làn sóng đầu tư cho TMĐT, hạ tầng Bizweb cung cấp gần như đầy đủ nhu cầu của người dùng như thế nên người dùng đến với Bizweb ngày càng nhiều cũng là điều dễ hiểu.
Tuyến khoe: “Bizweb hiện đang là nền tảng bán hàng trực tuyến được nhiều người sử dụng, mang lại doanh thu hơn 8.900 tỷ đồng cho 15.000 khách hàng là các chủ website hoạt động trong hơn 30 lĩnh vực khác nhau trên khắp Việt Nam và 14 quốc gia trên thế giới”. Theo vị CEO trẻ này, TMĐT Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu, tiềm năng còn nhiều, nhu cầu khách hàng sẽ còn cao và do vậy, cơ hội cho phát triển Bizweb cũng còn đang rộng mở.
Theo Doanhnhansaigon.vn
0 comments:
Post a Comment